Phá lấu là một món ăn lâu đời có nguồn gốc từ Trung Hoa. Theo nhiều tài liệu, món ăn này khởi nguồn từ người Tiều trong những ngày cúng kiếng, giỗ chạp. Bất cứ bộ phận nào của động vật cũng đều nấu phá lấu được, từ lưỡi, tai, ruột cho đến bao tử… Hôm nay, hãy cùng Ba con cừu trổ tài với cách làm phá lấu bò ngon trọn vị tại nhà nhé. Phần lòng bò thơm nức, dai giòn hòa trong làn nước dùng đậm đà chắc chắn sẽ làm cả nhà bất ngờ đấy.
Nội dung bài viết
1. Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu làm phá lấu bò gồm có:
- Lòng bò, sách bò, lá nách: 500 gram
- Dừa tươi nạo sợi: 500 gram
- Nước cốt dừa: 300 ml
- Bánh mì: 250 gram
- Rau gia vị: gừng, tỏi, giềng băm nhuyễn mỗi thứ 20 gram
- Gia vị chế biến: hạt nêm, muối ăn, nước mắm, xì dầu, ớt bột, ngũ vị hương.
- Hoa quế, hoa hồi: 20 gram
- Lá cari: 20 gram
- Chanh tươi: 3 trái
2. Cách chọn nguyên liệu
Để có được món phá lấu thơm ngon và đậm đà, thì phần lựa chọn nguyên liệu là điều quan trọng nhất. Biết được điều đó, Ba Con Cừu sẽ mách bạn bí kíp nhỏ xíu trong khâu lựa chọn nguyên liệu cho món ăn này.
2.1. Bao tử bò
Bao tử bò còn tươi ngon sẽ có màu trắng nõn, bề mặt có nhiều “gai” nhỏ. Nếu bao tử bò có màu hay đặc điểm lạ thì tuyệt đối không nên mua.
2.2. Tim bò
Nếu thịt bò có màu đỏ tươi là thịt ngon thì tim ngon sẽ có màu sậm hơn một chút. Trên quả tim thường có một lớp mỡ mỏng màu vàng nhạt. Nếu để ý kỹ thì bạn còn có thể trông thấy các dây mạch máu trên bề mặt quả tim nữa. Ngoài ra thì độ đàn hồi của quả tim cũng giúp bạn nhận biết nguyên liệu đó còn tươi hay không. Hãy ấn nhẹ vào tim bò và xem nó có trở lại hiện trạng ban đầu không. Nếu có thì đây là một quả tim ngon và đáng mua nhé.
2.3. Gan bò
Trong các bộ phận nội tạng của bò thì gan có lẽ là cơ quan có màu sắc đậm nhất với màu đỏ sẫm. Chọn lá gan nào chắc tay, khô ráo và không có hiện tượng chảy nước hay dịch.
2.4. Ruột bò
Ruột bò tươi ngon có màu trắng sạch. Trên bề mặt ruột không có các nốt đen, viêm hay có dấu hiệu dập nát.
Với phần lòng bò, dù nguyên liệu có là gì thì bạn cũng đừng quên kiểm tra mùi hương của chúng. Lòng bò tươi ngon thì bao giờ cũng có mùi thơm gây gây của thịt tươi chứ không có mùi hôi khó chịu.
3. Cách làm phá lấu bò
Bước 1: Cách sơ chế lòng bò đúng chuẩn
- Đầu tiên, bạn dùng chanh và muối chà xát lòng bò cho sạch. Nếu có bột mì làm sạch sẽ càng tốt hơn. Lúc này lòng vẫn còn một ít nhớt nhưng không phải là còn dơ nhé.
- Bắc một nồi nước lớn lên bếp sau đó cho phần gừng tươi đập dập vào đun nóng. Nước nóng, cho phần nội tạng đã làm sạch vào trần qua rồi lại tiếp tục đem ra rửa sạch. Rửa xong, bạn vẩy lòng cho ráo nước.
Bước 2: Tẩm ướp nguyên liệu
Thái miếng phần nội tạng bò cho vừa ăn sau đó bỏ vào một chiếc tô lớn. Ướp kỹ với ½ thìa cafe ngũ vị hương, ½ thìa bột cari, ½ thìa mắm, 1 thìa đường, 1 thìa xì dầu, 1 thìa ớt xay.
Trộn gia vị xong, bạn tiếp tục ướp nội tạng bò với ½ phần tỏi băm + ½ giềng xay. Trộn đều và để nguyên liệu ngấm gia vị trong ít nhất 60 phút.
Bước 3: Nấu phá lấu
Bắc chảo lớn lên bếp, cho phần tỏi + giềng còn lại vào cùng với chỗ hồi, quế phi thơm vàng. Tiếp theo, đổ hỗn hợp lòng bò đã ướp đủ thời gian vào xào cho săn.
Khi lòng bò đã săn lại, đổ nước dão dừa vào chảo và nấu liu riu cho đến khi lòng bò mềm. Trong quá trình nấu, bạn cần mở hé vung để đảm bảo nước dùng không bị đục.
Lòng bò chín mềm, tiếp tục đổ phần nước cốt dừa vào rồi đun lại cho sôi. Nêm gia vị cho vừa ăn sau đó tắt bếp. Thưởng thức phá lấu bò cùng các loại rau thơm và bánh mì.
Với cách làm phá lấu bò trên đây thì từ giờ bạn có thể tự tin làm ra món phá lấu bò vừa ngon, vừa ăn toàn vệ sinh rồi nhé. Những chén phá lấu bò nóng hổi, thơm phức, chấm từng miếng lòng bò mềm ngon vào nước mắm tắc chua ngọt, thêm vài cọng rau răm và miếng bánh mì nữa thì hết sảy! Chúc bạn thành công và ngon miệng. Đừng quên ghé thăm Ba Con Cừu thường xuyên để có thêm nhiều món ngon hay cho thực đơn mỗi ngày nhé!